Chiến tranh với Đại Nam Địch Thanh

Năm 1052, tại khu vực Quảng Tây, Nùng Trí Cao khởi binh, tự xưng là Nhân Huệ hoàng đế của Đại Nam quốc, đem quân công phá nhiều thành trì của nhà Tống tại khu vực Quảng Đông, Quảng Tây và đã lên kế hoạch tấn công lên Hồ Nam. Quân Tống liên tục thua trận và triều đình nhà Tống rơi vào khủng hoảng do không ai nghĩ ra được phương sách gì.

Mới nhậm chức được 3 tháng, Khu mật phó sứ Địch Thanh đã dâng biểu xin đem quân đi chinh phạt. Tống Nhân Tông cả mừng, phong ông làm Tuyên Huy Nam viện sứ, Tuyên phủ Kinh Hồ Nam Bắc lộ, Kinh chế Quảng Nam đạo tặc sự, tự thân thiết yến để tiễn đưa ông tại điện Thùy Củng.

Đầu năm 1053, Địch Thanh dẫn quân tới và hợp quân với Dư Tĩnh cùng Tôn Miện ở Tân Châu[2] rồi hội các tướng lại, chấn chỉnh quân lệnh, cấm không cho ra đánh nhau với Nùng Trí Cao. Quan kiềm hạt tỉnh Quảng Tây là Trần Thự trái tướng lệnh, đem quân ra đánh bị thua, Địch Thanh đem chém đi, rồi lệnh cho quân nghỉ 10 ngày. Quân do thám biết chuyện về báo cho Trí Cao biết. Trí Cao tưởng là quân nhà Tống sợ hãi không dám đánh và thế là lơ là mất cảnh giác, không thèm phòng bị. Đêm Thượng nguyên, Địch Thanh chia quân thành tiền, trung, hậu hỏa tốc xuất kích đến Côn Lôn quan (gần phủ Nam Ninh) đánh Nùng Trí Cao. Lúc đang đánh nhau, Địch Thanh lại đem kị binh đánh hai bên tả hữu áp lại, quân của Trí Cao tan vỡ, tướng dưới quyền là Hoàng Sư Mật và 57 người tử trận[3]. Quân Tống đuổi theo giết hơn 2.200 quân của Nùng Trí Cao làm ông này phải đốt thành bỏ chạy. Sau chiến thắng, ông được phong chức Khu mật sứ[1].